Liệt hai chân do cường giáp
Vừa tỉnh giấc, anh H. không thể ngồi dậy, hai chân không cử động được. Gia đình lo anh bị đột quỵ, bác sĩ khám phát hiện anh bị liệt hai chân do cường giáp.
Phát hiện cường giáp 11 tháng trước nhưng không điều trị
Ngày 24/10 anh P.V.H. (30 tuổi, Đồng Nai) đi lại nhanh nhẹn dọc hành lang khu nội trú khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, trong khi 2 ngày trước, anh liệt hai chân, đi đứng phải có người dìu hoặc ngồi xe lăn. Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, dặn anh về nhà phải uống thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Tái khám thường xuyên để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp. Tuyệt đối không được bỏ điều trị tránh biến chứng nguy hiểm.
Tháng 11/2022, anh H. khám sức khỏe công ty được bác sĩ nghi ngờ bị cường giáp. Thế nhưng, anh thấy sức khỏe không bất thường nên không điều trị. Một tháng sau đó, anh xuất hiện triệu chứng run hai tay nhưng nghĩ do thiếu canxi nên anh chỉ mua sữa, phô mai về bổ sung.
Trước ngày nhập viện, anh H. thức dậy lúc 6 giờ sáng như mọi khi nhưng không thể trở mình. Anh cố gắng vài lần cũng không nhúc nhích được 2 chân. Anh thử ngồi dậy cũng không được. Toát mồ hôi trán và sống lưng, anh nghĩ mình bị đột quỵ liền gọi vợ giúp đỡ, được mẹ và vợ đưa tới BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Qua thăm khám, thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh cho biết kết quả xét nghiệm chỉ số kali trong máu của anh H. hạ thấp còn 2,31 mmol/L (chỉ số bình thường từ 3,5-5,1 mmol/L), hormone tuyến giáp FT4 tăng gấp 2 lần, chỉ số hormone TSH (do tuyến yên tiết ra có tác dụng kích thích tuyến giáp sản xuất hormone) bị ức chế, giảm thấp.
Bác sĩ Linh tiếp tục làm xét nghiệm loại trừ các nguyên gây hạ kali khác như: u tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, nhiễm toan ống thận, thiếu hụt magie… Người bệnh được kết luận bị cường giáp gây hạ kali máu dẫn đến liệt 2 chân. Khi nghe kết quả, mẹ anh H. thở phào nhẹ nhõm vỗ vào vai anh nói: “Lần sau bác sĩ có nghi ngờ bệnh gì thì đi khám sớm nghen con. Sáng giờ sắp rớt tim ra, cứ nghĩ con bị đột quỵ.”
Anh H. được bù kali, dùng thuốc kháng hormone giáp, sau 2 tiếng, anh đứng dậy được. Một ngày sau, anh H. đi lại được bình thường.
Rối loạn nhịp tim khi kali thấp
Bác sĩ Linh cho biết cường giáp là tình trạng tuyến giáp tiết quá nhiều hormone giáp. Khi hormone giáp có quá nhiều trong cơ thể làm tăng hoạt động chuyển hóa của tế bào. Việc này cũng khiến các bơm Na-K-ATPase (bộ máy vận chuyển natri và kali) trong cơ thể hoạt động nhanh hơn, tăng vận chuyển kali vào trong tế bào gây hạ kali máu. Ngoài biến chứng gây hạ kali máu, bệnh cường giáp nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe gây ra các tình trạng như: bão giáp, lồi mắt, tim đập nhanh kéo dài dẫn đến rung nhĩ, suy tim…
Bác sĩ Linh giải thích kali là chất điện giải quan trọng giúp vận chuyển các tín hiệu điện cho các tế bào trong cơ thể. Hạ kali máu gây ảnh hưởng nhịp tim, thần kinh và cơ bắp, người bệnh có thể bị yếu liệt chân tay, giảm kali làm giảm dẫn truyền thần kinh cơ ruột gây liệt ruột (tình trạng ứ đọng nhiều khí trong ruột).
Bác sĩ Linh khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe thường xuyên ít nhất 1 năm/lần để tầm soát các bệnh về tuyến giáp. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ cường giáp như: không chịu được nóng, tim đập nhanh, khó thở, run tay, tóc dễ gãy, thường bị tiêu chảy, sụt cân… nên đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được khám và điều trị sớm.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Ngoài ra, Quý khách hàng có thể tham khảo thêm sản phẩm Unaturia Gold chính hãng có bán tại Hệ Thống Nhà Thuốc Gia Hân Pharmacy & giao hàng trên toàn quốc.
Hệ Thống Nhà Thuốc Gia Hân Pharmacy là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.